GIÁ TRỊ CỦA KHOẢNG LẶNG TRONG PHIÊN COACH

Hôm nay bản tin Leader As Coach của Coach For Life – CFL đề cập đến “khoảng lặng” trong phiên coach và đề cập tới 6 dạng thức của sự im lặng theo phân loại của ICF rất thú vị. Tôi đã trải nghiệm những khoảng lặng trong phiên coach ở cả vai trò coach và coachee, và tôi hoàn toàn đồng ý rằng khi những khoảng lặng xuất hiện trong phiên coach, nhiều điều kỳ diệu có thể xảy ra.

6 DẠNG THỨC CỦA KHOẢNG LẶNG TÍCH CỰC Liên đoàn Khai vấn Quốc tế đã phân loại sự im lặng vào 6 nhóm như sau:
1, Khoảng lặng quan tâm (The caring silence): Bạn có thể sử dụng khoảng lặng quan tâm này sau khi khách hàng/ nhân viên của bạn chia sẻ về một giai đoạn khó khăn, một câu chuyện nhiều tổn thương, một nỗi lo lắng bên trong họ. Khoảng lặng trong tình huống này thể hiện sự đồng cảm, sự tôn trọng, sự lắng nghe chủ động và sự động viên về tinh thần. Bạn có thể chủ động tạo ra khoảng lặng này để giúp coachee bình ổn cảm xúc trước khi chuyển sang câu hỏi tiếp theo.
2, Khoảng lặng bận rộn (The busy silence): Khoảng lặng này diễn ra khi coachee đang bận rộn xử lý thông tin trong não bộ, tạo ra những điểm kết nối để từ đó phản hồi lại câu hỏi của bạn. Trước một câu hỏi thách thức, việc coachee dừng lại để suy nghĩ là điều hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu.
3, Khoảng lặng tỉnh thức (The mindful silence): Đây là khoảnh khắc mà coachee trở thành người quan sát về chính điều mà họ đang cảm thấy, những dấu hiệu trên cơ thể, những suy nghĩ lướt qua trong tâm trí. Họ gạt bỏ lăng kính phán xét sang một bên để quan sát khách quan những gì diễn ra bên trong mình. Khoảng lặng này thường đến khi coachee được hỏi: “Trong tình huống A, em đã cảm thấy như thế nào? Những suy nghĩ nào đã xuất hiện trong em lúc đó?”
4. Khoảng lặng kỳ diệu (The magic silence): Đây là khoảng lặng trước một “aha moment” – khoảnh khắc của những phát hiện mới mẻ. Khi khoảng lặng kỳ diệu xuất hiện, một sự thay đổi, một sự bừng tỉnh mạnh mẽ nào đó đã xuất hiện trong tâm trí coachee.
5, Khoảng lặng nội tại (The internal silence): Đây là sự im lặng bên trong của chính người coach khi họ tự kiểm soát những tiếng nói nhỏ, kìm lại mong muốn ngắt lời để đưa ra giải pháp, lời khuyên hay sự chỉ dẫn. Với những lãnh đạo áp dụng coaching, việc phát triển những khoảng lặng nội tại là vô cùng quan trọng, bởi chúng ta rất dễ có xu hướng “nhảy” vào để chỉ dẫn nhân viên của mình.
6, Khoảng lặng tập trung (The centered silence): Đây là sự tĩnh lặng nên có trước một phiên coach. Người coach nên xây dựng thói quen dành vài phút tập trung vào hơi thở, tìm thấy sự tĩnh lặng bên trong, đạt được sự cân bằng cả về cơ thể và tinh thần trước khi bước vào phiên coach. Bằng cách này, bạn đang chuẩn bị để hiện diện cùng coachee, nạp lại năng lượng, kết nối với mọi thứ xung quanh và bỏ qua bất kỳ mối bận tâm nào. Ở vai trò là coach hoặc coachee, bạn đã trải nghiệm như thế nào về sức mạnh diệu kỳ của những khoảng lặng?

Coach Nguyen Le Hang
Business & Life Coach

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *